TS Nguyễn Tuần, Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm (Viện
Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) vừa chính thức thông báo, nhóm nghiên cứu do
ông phụ trách đã thành công trong việc ương giống cá mú đen chấm đỏ
Bắt đầu từ năm 1995, Bộ Thủy sản đã giao đề tài ương giống cá
mú đen chấm đỏ cho một số đơn vị nghiên cứu hải sản phía Bắc tiến hành tạo giống
vì đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, phục vụ chiến lược xuất khẩu. Tuy
nhiên, sau 4- 5 năm loay hoay rồi thuê cả chuyên gia Đài Loan sang trợ giúp nhằm
khắc phục tình trạng nhập khẩu con giống với giá thành cao tại nhiều vùng nuôi
trong nước, nhưng đều không có hy vọng. Sở dĩ, cá mú đen chấm đỏ thu hút được sự
quan tâm của Bộ Thủy sản vì đây là loại cá có chất lượng thịt ngon, giá ổn định
ở mức cao (ngay tại thị trường trong nước cũng đạt bình quân từ 250.000-300.000
đồng/kg), thị trường nước ngoài còn cao hơn do không phải ở quốc gia nào cũng có
vùng nuôi và các điều kiện tự nhiên phù hợp như ở ta, trong khi nhu cầu tiêu thụ
luôn mở. Tuy nhiên, cái khó hiện nay tại nhiều vùng nuôi cá nước mặn lớn ở VN
vẫn là khâu giống, giá cá mú giống của Trung Quốc, Đài Loan được nhập về VN bán
là 17.000 đồng/con. Kể từ khi chúng ta tạo được giống, tức là vào khoảng cuối
năm 2001, nhưng số lượng không đáng kể vì tỷ lệ cá mới nở sống và phát triển
được vào thời điểm này mới chỉ đạt trên dưới 1% (cả trạm nghiên cứu của Viện II
mới có khoảng 10 cá bố mẹ vào cùng thời điểm.) Hiện tại, trạm đã có 20 cá bố mẹ,
trọng lượng từ 8-25 kg/con và cho đẻ 1 tháng 2 lần, ước tính năm nay sẽ tạo ra
khoảng trên 20 ngàn cá giống cung cấp cho ngư dân, giá giống trong nước đã giảm
được rất nhiều so với giống nhập- 8.000 đồng/con, nhưng năng lực hiện mới chỉ
đáp ứng được 1 phần tại khu vực phía Nam.
Theo các chuyên gia về cá nước mặn, cá mú đen chấm đỏ là loại
cá tương đối dễ nuôi và phát triển tốt tại nhiều vùng nuôi nước mặn ở VN, phù
hợp với nhiều mô hình như bè, lồng, ao. Về thức ăn, loài này cũng không kén ăn
lắm, chủ yếu là các loài cá biển, lấy nguồn từ cá tạp của ngư dân đánh bắt xa bờ
đưa về, thậm chí là cả thức ăn dạng viên nén. Trung bình 1m3 lồng trên biển có
thể nuôi được từ 10-20 con, nuôi trên ao 1 ha là 5.000 con. Sau từ 6-8 tháng là
có cá thương phẩm, đạt trọng lượng trên dưới 1 kg. Theo TS Nguyễn Tuần, nếu thời
gian tới chúng ta đẩy mạnh được tốc độ sản xuất con giống thì trong thời gian 5
năm tới loại cá này sẽ là một mặt hàng xuất khẩu chiến lược của ngành thủy sản
VN. Vì ngay như tại Đài Loan, một đối thủ cạnh tranh về phát triển cá mú đen
chấm đỏ thì hiện nay họ cũng đã tính đến việc phải ra nước ngoài thuê địa điểm
để nuôi phục vụ nhu cầu xuất khẩu… TS Nguyễn Tuần tiết lộ: "Sau khi thành công
trong việc tạo giống cá chẽm, cá mú đen chấm đỏ thì mục tiêu tiếp theo của Viện
Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II là 2 đối tượng cùng họ với cá mú đen chấm đỏ
là mú chuột và mú đỏ chấm xanh (mú sao). Cả 2 loại cá mú này đều có giá trị cao
hơn rất nhiều so với mú đen chấm đỏ: Theo thông tin từ nhiều nguồn, giá cá mú
sao và mú chuột hiện đang bán ở Hồng Kông khoảng 100 USD/kg."