Khai thác thủy sản là một trong
những hoạt động cổ xưa nhất của loài người, xuất hiện ở thời kỳ đồ đá cũ và đã
phát triển thành một lĩnh vực hoạt động kinh tế riêng biệt vào thời kỳ đồ đá
mới. Từ khi xuất hiện việc trao đổi hàng hóa thì các hoạt động khai thác thủy
sản cũng dần dần mang tính thương mại. Ngày nay, phương pháp khai thác thủy sản
ngày càng đa dạng, kỹ thuật khai thác ngày càng tiên tiến, quy mô rộng lớn. Khai
thác thương mại thủy sản là hoạt động đánh bắt mà sản phẩm thu được sẽ được bán
để thu lợi nhuận.
Khai thác thương mại muốn đạt được lợi
nhuận tối ưu (doanh thu và chi phí hoạt động của tổng cường lực đánh bắt là hợp
lý nhất) đòi hỏi phải có sự kết hợp liên ngành từ các dịch vụ hậu cần nghề cá
đến cơ cấu nghề phát triển hợp lý, đồng thời phải duy trì và bảo vệ tốt nguồn
lợi thủy sản.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, nghề
khai thác thủy sản đã có nhiều thay đổi. Trước năm 1985, nghề cá được quản lý
theo mô hình các hợp tác xã và các tập đoàn sản xuất, lợi ích đối với người sản
xuất còn nhỏ bé và hiệu quả sản xuất thấp. Từ khi thực hiện chính sách đổi mới,
nghề cá nước ta đã có sự tăng trưởng mạnh về số lượng tàu thuyền, kích thước tàu
thuyền, mức trang bị động lực và máy móc hàng hải cho tàu. Cơ sở hậu cần dịch vụ
nghề cá cũng phát triển đáng kể, có nhiều nhà máy chế biến, kho lạnh dùng để bảo
quản thủy sản phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Với cơ sở vật chất của nghề
cá thương mại như trên góp phần đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế quan
trọng của cả nước, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên không ngừng.
Hiện nay, nghề cá Việt Nam vẫn là nghề cá
quy mô nhỏ, trang bị tàu thuyền nhỏ (72% số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ
hơn 45 CV), chủ yếu hoạt động khai thác ở các vùng nước truyền thống. Số lượng
lao động nghề cá tuy tăng về số lượng nhưng trình độ hiểu biết về nghề còn ở mức
thấp. Các vấn đề tiêu thụ sản phẩm tại các cảng cá phải thông qua hệ thống nậu
vựa, người tham gia khai thác thủy sản bị ép giá dẫn đến hiệu quả của nghề khai
thác bị giảm sút.
Đánh cá giải trí
Đánh cá giải trí là cách gọi của một loại
hình hoạt động mang tính chất giải trí dựa vào nghề đánh bắt cá (chủ yếu là câu
cá). Trên thế giới đã xuất hiện hình thức này từ rất lâu. Ở Việt Nam, loại hình
giải trí này chưa được đầu tư một cách thích đáng. Tuy nhiên, trong những năm
gần đây, các công ty du lịch hoặc tư nhân đã mở ra hình thức hoạt động du lịch
sinh thái, câu cá giải trí trên các ao, hồ và biển, cá có thể là cá tự nhiên
hoặc cá nuôi trong hồ. Khách du lịch phải trả một khoản chi phí và được quyền
câu cá ở ao, hồ. Loại hình du lịch này xuất hiện ở hầu hết các tỉnh trong nước
ta, đặc biệt là các thành phố lớn.
Câu cá giải trí trên biển, câu cá ở bờ biển
là một thú vui được rất nhiều người ưa thích, họ tự mua dụng cụ sau đó tìm địa
điểm câu cá hoặc công ty du lịch cho du khách thuê ca nô để câu cá quanh đảo
hoặc gần bờ biển. Ngoài ra, còn có loại hình du lịch câu cá, câu mực vào ban
đêm, khách du lịch được đi trên những tàu có công suất nhỏ, ra biển cách bờ từ 3
đến 5 hải lý. Khách có thể tự chế biến ngay trên biển những món ăn tùy thích
bằng sản phẩm cá, mực câu đựơc. Đây là hình thức du lịch giải trí nhưng chứa
đựng nhiều rủi ro cho du khách.
Hiện nay,
chỉ có ở Mỹ mới có phân ra nghề cá thương mại và nghề cá giải trí. Hầu hết các
nước khác chỉ gọi là công nghiệp cá, công nghiệp khai thác thủy sản, nghề đánh
cá biển, công nghiệp khai thác hải sản…