Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 80% phí bảo hiểm. Hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.
Các doanh nghiệp được thực hiện thí điểm phải có đủ các điều kiện, trong đó phải là kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, đáp ứng được khả năng thanh toán theo quy định của Luật bảo hiểm, có hệ thống công ty, chi nhánh, văn phòng giao dịch tại địa bàn triển khai thí điểm BHNN và có đội ngũ nhân viên chuyên môn về bảo hiểm nông nghiệp.
Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng đủ 4 điều kiện sau: có đối tượng được bảo hiểm như lúa, trâu bò, gia cầm... theo quy định; có quyền lợi được bảo hiểm, tham gia thí điểm BHNN và đóng phí bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình, thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng, phòng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mỗi tỉnh, thành phố có thể triển khai thí điểm toàn bộ địa bàn hoặc trên một số huyện, xã tiêu biểu. Các rủi ro được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm như bão lũ, rét hại, sương giá, dịch tai xanh, BHNN...
Các đối tượng được bảo hiểm và khu vực được thực hiện thí điểm BHNN bao gồm: bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội. Bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá basa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo quan điểm của một số chuyên gia trong ngành bảo hiểm thì đây là chủ trương đúng đắn và rất kịp thời. Tuy nhiên, để thực hiện đúng và đạt hiệu quả cao thì còn nhiều việc phải làm như cơ sở vật chất, nhất là nguồn nhân lực mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, BHNN mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ phí cho người mua, nhưng thiên tại, dịch bệnh nếu xảy ra thì thiệt hại rất nặng nề không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng thanh toán bồi thường. Vì vậy, đây là một lĩnh vực rủi ro cao, cần có những chính sách cam kết hỗ trợ của Nhà nước khi rủi ro xảy ra.
Đồng quan điểm trên, ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - cho biết: sau khi có quyết định trên, nhiều doanh nhiệp rất hào hứng ủng hộ và mong muốn tham gia. BHNN là sản phẩm mới mang tính khả dụng cao, thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đến người nông dân, nhất là những vùng có nhiều thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những văn bản hướng dẫn và cam kết hỗ trợ khi có rủi ro xảy ra để các doanh nghiệp yên tâm triển khai, vì hơn ai hết doanh nghiệp bảo hiểm phải gánh chịu rủi ro trực tiếp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần sớm ra được biểu phí quy định và cụ thể để các doanh nghiệp có căn cứ triển khai đồng bộ.
Vũ Điển